Top
Image Alt

Khám phá Rạch Giá

  /  Khám phá Rạch Giá

Thành phố có 11 đơn vị hành chính cấp phường và 1 xã với 68 khu phố-ấp, 1.209 tổ nhân dân tự quản. Đó là phường Vĩnh Lợi, Rạch Sỏi, An Bình, An Hòa, Vĩnh Lạc, Vĩnh Bảo, Vĩnh Thanh Vân, Vĩnh Thanh, Vĩnh Quang, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thông và xã Phi Thông.

Thành phố Rạch Giá thuộc tỉnh Kiên Giang được thành lập theo Nghị đình số 97/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ. Thành phố có 11 đơn vị hành chính cấp phường và 1 xã với 68 khu phố-ấp, 1.209 tổ nhân dân tự quản.

Đó là phường Vĩnh Lợi, Rạch Sỏi, An Bình, An Hòa, Vĩnh Lạc, Vĩnh Bảo, Vĩnh Thanh Vân, Vĩnh Thanh, Vĩnh Quang, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thông và xã Phi Thông. Ngày 29/8/2005, Rạch Giá tổ chức lễ công bố thành lập thành phố Rạch Giá thuộc tỉnh Kiên Giang.

Vị trí địa lý của thành phố: Phía Đông – Nam tiếp giáp huyện Châu Thành; phía Đông – Bắc tiếp giáp với huyện Tân Hiệp; phía Tây – Nam giáp vịnh Thái Lan có thể nhìn thấy các đảo gần, đảo xa. Gần tầm mắt nhất là đảo Hòn Tre (Hòn Rùa) thuộc huyện Kiên Hải nằm đối diện với cửa biển Rạch Giá; phía Tây – Bắc là cụm núi Ba Hòn: Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Sóc thuộc huyện Hòn Đất. Tổng diện tích tự nhiên gần 105 km2, trong đó có khu lấn biển về phía Tây để mở rộng đô thị mới rộng 420 ha thuộc các phường Vĩnh Bảo, Vĩnh Lạc và An Hòa; khu lấn biển 16 ha thuộc phường Vĩnh Thanh Vân. Niên giám Thống kê năm 2011: Thành phố có 48.847 hộ, với 223.491 khẩu, gồm 3 dân tộc chính là: người Kinh chiếm 87,88%, Khmer chiếm 6,97%, Hoa chiếm 5,06%, còn lại là các dân tộc khác.

Thành phố có 5 tôn giáo chính gồm: Phật giáo (Nam tông và Bắc tông); Cao Đài; Thiên Chúa giáo; Tin Lành; Hòa Hảo và một số tôn giáo khác. Toàn thành phố có 43 cơ sở thờ tự được nhà nước công nhận, trong đó có các đình, chùa được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận “Di tích Lịch sử Văn hóa – Kiến trúc” như: Chùa Tam Bảo, Phật Lớn, Láng Cát, Quan Đế, đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, đình Vĩnh Hòa… Đây còn được xem là điểm đến hấp dẫn của khách tham quan du lịch. Đặc biệt, lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực diễn ra vào các ngày 26, 27 và 28 tháng Tám Âm lịch hàng năm thu hút trên 800 ngàn lượt du khách hành hương khắp các nơi đến dâng hương, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng lễ hội; là dịp giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh nhà và xúc tiến, đầu tư, phát triển kinh tế.

Đến với thành phố Rạch Giá du khách đi qua Cổng Tam Quan nằm trên đường Nguyễn Trung Trực, là một công trình kiến trúc đẹp, mang đậm nét văn hóa cổ truyền Việt Nam. Đây cũng là một kiến trúc đặc biệt đã trở thành biểu tượng của tỉnh Kiên Giang.

Những di tích lịch sử văn hóa – kiến trúc, bảo tồn – bảo tàng đã được chính quyền và nhân dân thành phố trùng tu, tôn tạo để du khách đến Rạch Giá có thể hiểu cảm nhận được lịch sử truyền thống mở đất và giữ đất của nhân dân qua các thời kỳ.

Rạch Giá là điểm lý tưởng để khách du lịch dừng chân, lưu trú và tham quan các di tích, các khu vui chơi giải trí tại công viên Văn hóa An Hòa, Siêu thị Citimart, Co.op Mart, Metro…; có hệ thống đường không với sân bay Rạch Giá; đường bộ có Bến xe Rạch Giá; đường biển có Bến tàu biển Rạch Giá…, rất thuận tiện cho du khách đi đến các danh lam, thắng cảnh du lịch trọng điểm trong tỉnh như: huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải, thị xã Hà Tiên, Kiên Lương và U Minh Thượng.